Vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của vùng Tây Bắc
Các dân tộc sinh sống chủ yếu tại Mộc Châu chủ yếu là người H’Mông và người Thái
Vùng núi Tây Bắc luôn để lại ấn tượng khó phai nhạt với bất cứ ai đến với nó lần đầu. Vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của núi rừng, thửa ruộng bâc thang, những con đèo hùng vĩ đủ sức thu hút tâm hồn của mọi người. Cùng khám phá những Mộc Châu, Mai Châu, Mù Căng Chải … cùng chúng tôi nhé.
Thảo nguyên xanh Mộc Châu
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Nằm trên cung đường Tây bắc nổi tiếng với những cảnh quan kỳ vĩ, những ngôi làng xinh xắn ven đường với những mùa hoa cải, hoa mận ngút trời… Mộc Châu luôn được xem là thiên đường cho những du khách thích du lịch bụi (dân phượt).
Thảo nguyên Mộc Châu với đặc trưng nổi bật là những đồi chè xanh chạy dài hết quả đồi này đến quả đồi kia. Hay những đồng cỏ xanh mướt mắt trải dài tít tắp, thi thoảng, bắt gặp trên đó những đàn bò sữa, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ, ngơ ngác ngẩng đầu nhìn người lạ.
Bên cạnh những địa danh vốn quen thuộc với khách du lịch, còn có một địa điểm nổi tiếng nhưng ít người đặt chân tới, được mệnh danh là “nóc nhà của Mộc Châu” – đỉnh Pha Luông gắn liền với bài thơ Tây tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng. Núi Pha Luông hay còn gọi là Bờ Lung (trong tiếng Thái có nghĩa là núi lớn) có độ cao gần 2.000 mét ở khu vực biên giới Việt – Lào, phía đông của huyện Mộc Châu.
Các dân tộc sinh sống chủ yếu tại Mộc Châu chủ yếu là người H’Mông và người Thái
Niềm mơ ước nhỏ nhoi của một em bé miền núi Tây Bắc
Trò chơi truyền thống – đẩy gậy của các cô cậu bé Tây Bắc
Mai Châu bình dị
Cách Hà Nội 130km, Mai Châu (thuộc tỉnh Hòa Bình) hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên, bình dị và những người dân hiếu khách thân thiện. Đứng trên đỉnh dốc Cun, thung lũng Mai Châu như một bức tranh thủy mặc, đôi khi là màu vàng óng của lúa chín, hay xanh mướt của cây cối, thấp thoáng là những nếp nhà sàn nhỏ xinh, ẩn hiện trong khói lam chiều.
Thung lũng Mai Châu còn là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Thái trắng của tỉnh Hòa Bình. Người Thái nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của họ như nhà sàn, những điệu múa điệu xòe truyền thống. Thật không khó để bắt gặp một cô gái Thái trong trang phục truyền thống đang e ấp bên khung cửi dệt thổ cẩm hay các chàng trai miệt mài với công việc chế tạo công cụ săn bắn, lao động.
Nằm ở phía Tây Nam của thị trấn Mai Châu, hang Chiều nằm trên dãy núi đá vôi Pù Khà dọc theo hướng Bắc che chắn cho thị trấn Mai Châu. Gọi là hang Chiều vì mỗi khi chiều về, ánh mặt trời chiếu vào lòng hang, soi sáng thạch nhũ tạo nên vẻ đẹp như chốn bồng lai. Từ chân núi lên cửa hang khoảng 1.200 bậc, tuy dài nhưng đường dễ đi. Từ cửa hang du khách có thể chiêm ngưỡng thị trấn Mai Châu trù phú, thơ mộng phía dưới.
Mù Căng Chải hùng vĩ
Vào mùa thu, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) tựa như một bức tranh giữa núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang hút tầm mắt, vàng óng một màu ẩn hiện trong mây. Nhắc đến Mù Căng Chải là người ta nhớ ngay đến một địa danh xa xôi, hẻo lánh nhất với những cung đường quanh co đầy nguy hiểm như những “con đường tử thần”.
Lên đến Mù Căng Chải, du khách sẽ bị hút hồn bởi những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đẹp mê hồn như những cung đàn, nốt nhạc trải dài bên sườn núi. Ruộng bậc thang là Mù Căng Chải là di tích danh thắng được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nếu đi bằng xe máy, du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc khi đứng trên đèo Khau Phạ – nơi được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.
Những thửa ruộng bậc thang xếp trùng trùng lớp lớp tạo một cảnh quan vô cùng ấn tượng trong tâm trí khách du lịch
Leave a Reply